Hơn 400 năm từ thời Trần đến Nguyễn, thành Rum trên núi Lam Thành được vua chọn làm căn cứ địa, lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử, nhưng nay hoang phế.

DCIM102MEDIADJI_0049.JPG

Thành cổ bị lãng quên

Hơn 400 năm từ thời Trần đến Nguyễn, thành Rum trên núi Lam Thành được vua chọn làm căn cứ địa, lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử, nhưng nay hoang phế.

Thành Rum hay còn gọi Lam Thành, tọa lạc trên núi cùng tên cao hơn 150 m tại xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên. Thành dài gần 1.000 m, bề ngang chỗ rộng nhất khoảng 500 m và thu hẹp dần ở hai đầu. Công trình xây bằng đá son, đá vôi, trải dài từ chân lên đỉnh núi theo hướng đông và tây.

Căn cứ quân sự chiến lược

Cuối thời Trần, khi nắm binh quyền, Hồ Quý Ly (1336-1407) chú trọng huấn luyện quân đội đề phòng quân Minh xâm lược. Ông củng cố các địa bàn chiến lược ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay), bố trí người thân tín trấn giữ. Từ năm 1397 trở đi, Hồ Quý Ly cho người đắp thành Rum ở Hưng Nguyên, thành Trài ở Diễn Châu. Lên ngôi năm 1400, thành Rum trở thành căn cứ quân sự quan trọng của nhà Hồ, theo sách Nghệ An cổ tích lục.

Thành Rum trên đỉnh Lam Thành. Ảnh: Đức Hùng

Thành Rum trên đỉnh Lam Thành. Ảnh: Đức Hùng

Tường thành ghép bằng đá, cao khoảng 2 m, xếp chồng lên nhau. Mặt thành hình thang, nhiều đoạn xây cao làm vọng gác, bố trí ụ súng để báo động chiến đấu khi đối phương xâm nhập từ dưới lên. Cổng có 3 cửa, trong đó cửa chính làm nơi hành lễ, vận chuyển lương thực, vũ khí; cửa phụ là nơi ra vào của quân lính.

Năm 1406, nhà Minh đưa quân xâm lược, chiếm núi Lam Thành, phong tỏa cả vùng đồng bằng rộng lớn An Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay). Giặc Minh củng cố thành Rum làm nơi đóng quân. Triều đại Hậu Trần sau đó được lập nên ở phía nam để chống ách đô hộ của quân Minh.

Năm 1413, vua Trần Trùng Quang cử quan ngự sử Nguyễn Biểu đến thành Rum gặp quan tổng binh nhà Minh là Trương Phụ thương thuyết song bất thành. Nguyễn Biểu sau đó bị giặc lập mưu bắt trói dưới chân cầu bắc qua sông Lam, cho thủy triều dìm chết. Nhưng ba ngày thủy triều không lên, giặc đưa ông về trước chùa Yên Quốc cách đó vài trăm mét giết chết. Vua thương tiếc, đặt lễ tế.

Sách Nghệ An ký chép, khi lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh, Lê Lợi chọn An Tĩnh là vùng chiến lược để rèn binh. Thành Rum là địa điểm quân sự quan trọng mà hai phe đều đặt mục tiêu đoạt lấy để làm căn cứ địa và phần thắng nghiêng về phía Lê Lợi. Sau hơn hai năm chiêu binh mãi mã trên núi, Lê Lợi lập được đại quân thiện chiến, tấn công vây hãm và tiêu diệt quân Minh ở Nghệ An. Năm 1428, nghĩa quân tiến ra Bắc, giành nhiều chiến thắng liên tiếp, buộc nhà Minh phải ký hòa ước và rút khỏi Đại Việt. Lê Lợi lên ngôi vua.

Một ngôi đền dưới chân núi Lam Thành. Ảnh: Đức Hùng

Một ngôi đền dưới chân núi Lam Thành. Ảnh: Đức Hùng

Đến cuối thế kỷ 18, thành Rum là nơi vua Quang Trung (1753-1792) hội kiến với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp bàn bạc kế sách đánh quân Thanh. Quang Trung dừng chân tại Lam Thành để củng cố lực lượng, trong hơn 10 ngày đã tuyển được thêm hơn 50.000 người, nâng tổng số binh lính cũ và mới lên tới 100.000, tổ chức thành 5 đạo, ngoài ra còn có một đội tượng binh 200 voi chiến. Đủ binh hùng tướng mạnh, các đạo quân sau đó kéo ra Bắc, đánh tan quân Thanh vào sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, sách Đại Nam chính biên liệt truyện ghi.

Từ đầu nhà Hậu Lê cho đến cuối đời Tây Sơn (1428-1801), vùng đất trù phú xung quanh núi Lam Thành, thuộc xã Hưng Thành ngày nay được chọn làm lỵ sở, trung tâm hành chính của vùng thời xưa. Thành Rum là trấn lỵ, nơi đặt cơ quan đầu não. Đến đầu thế kỷ 19, vua Gia Long lên ngôi đã chọn Yên Trường (nay là TP Vinh) làm trung tâm hành chính, chính trị mới của tỉnh Nghệ An. Kể từ đó thành cổ trên núi cũng như lỵ sở quanh Lam Thành dần lùi vào dĩ vãng.

Hoang phế thành cổ

Bên cạnh thành Rum, xung quanh khu vực này còn có hàng chục công trình tâm linh như đền thờ Nguyễn Biểu, đền Tuyên Nghĩa Hầu, đền Thanh Liệt, đền Vua Lê; chùa An Quốc, chùa Ông, chùa Mụ, gắn bó với sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân huyện Hưng Nguyên từ hàng trăm năm qua. Năm 1962, quần thể di tích núi Lam Thành được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Được kỳ vọng trở thành địa điểm phát triển văn hóa, du lịch của địa phương, thu hút nhiều du khách, chuyên gia đến tham quan, nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hóa, tuy nhiên đến nay thành Rum cùng với một số di tích xung quanh núi Lam Thành gần như bị lãng quên.

Ông Hồ Sỹ Đóa, 70 tuổi, trú xóm Phú Hưng, xã Hưng Thành, cho biết thời kháng chiến chống Mỹ, xung quanh thành cổ có nhiều đơn vị đóng quân. Giai đoạn 1964-1972, khu vực này bị máy bay địch bắn phá, trở thành “túi bom”. Hòa bình lập lại, chân núi Lam Thành trở thành công trường khai thác quặng. Trải qua biến thiên của thời gian và sự tác động của con người, thành Rum bị xuống cấp, xung quanh núi chỉ còn sót lại một số tàn tích.

Ông Hồ Sỹ Đóa. Ảnh: Đức Hùng

Ông Hồ Sỹ Đóa. Ảnh: Đức Hùng

Hiện trên đỉnh cao nhất của thành Rum được cắm một ngọn cờ. Tường có dấu hiệu xuống cấp, nhiều viên đá lớn xếp chồng lên nhau bị bung ra, phía trong xuất hiện nhiều hố lớn đường kính rộng từ nửa mét đến hơn một mét. Xung quanh khuôn viên cây dại bao phủ, mặt thành nhiều đám cỏ bị cháy.

“Chứng kiến thành cổ xuống cấp theo thời gian tôi thấy rất buồn. Rất mong chính quyền có phương án để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích”, ông Đóa nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đàn, Chánh văn phòng huyện Hưng Nguyên, địa phương đã đưa di tích núi Lam Thành vào đề án phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025 nhằm bảo tồn, quảng bá hình ảnh văn hóa, lịch sử. “Hiện nay tỉnh Nghệ An mới dừng ở khâu đo đạc, cắm mốc ranh giới, chưa có dự án trùng tu hay khôi phục cụ thể. Huyện thì không có nguồn lực nên đành phải chờ”, ông Đàn nói.

Huyện Hưng Nguyên có 126 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 12 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh. Dù có tiềm năng về du lịch, nhà chức trách thừa nhận việc xây dựng, tôn tạo các di tích còn hạn chế, chưa xứng tầm.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *