Tác dụng chữa bệnh của cây hương thảo
Cây hương thảo là một loại cây hữu ích đối với hệ tiêu hóa, có mùi hương dễ nhận biết, có đặc tính chống nhiễm trùng, bồi bổ cơ thể…
1. Những lợi ích của cây hương thảo
Cây hương thảo có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, có hương thơm, một năm ra hoa nhiều lần.
Các thành phần hoạt chất của hương thảo: Trong hương thảo có chứa nhiều tinh dầu, polyphenol, đặc biệt là axit rosmarinic có những đặc tính nổi trội bảo vệ các mao mạch. Nhờ tác dụng kích thích vỏ thượng thận, hương thảo có đặc tính tăng cường sinh lực, chống mệt mỏi và hỗ trợ trí nhớ.
Cây hương thảo có tác dụng giải độc gan và kích thích sản xuất dịch tiêu hóa. Bằng cách làm giảm quá trình lên men trong ruột, hương thảo được sử dụng tốt sau một bữa ăn nhiều chất. Đặc tính chống nhiễm trùng của loại cây này rất hữu ích trong trường hợp cảm lạnh hoặc để chống lại sự khởi đầu của viêm bàng quang.
Cây hương thảo có nhiều tác dụng trị bệnh.
2. Cách sử dụng hương thảo trị bệnh
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh giới thiệu một số các sử dụng hương thảo như sau:
– Chống đầy bụng: Cho một thìa cà phê hương thảo vào một cốc nước sôi. Để ngấm trong 10 phút, đậy nắp, để giữ lại các hợp chất thơm dễ bay hơi. Uống ngay sau bữa ăn.
– Chống cảm lạnh: Cho một thìa cà phê hương thảo vào 250 ml nước sôi. Thêm 3-5 giọt tinh dầu oải hương và cho chất lỏng này vào ống xông mũi. Hít lấy hơi.
– Làm giảm sưng bàn chân: Đổ 30g nhánh hương thảo vào một lít nước. Đun sôi và đun nhỏ lửa trong 10 phút, đậy nắp. Tắt bếp, để nguội. Sau đó hòa nước thảo mộc này vào một chậu nước, ngâm chân trong 10 phút (tốt nhất là vào buổi sáng).
– Giảm căng thẳng thần kinh, hỗ trợ tiêu hóa: Ngâm rượu từ lá cây hương thảo có tác dụng giảm căng thẳng thần kinh, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe.
Cách ngâm: Dùng 200g lá cây hương thảo, bạc hà 100g ngâm cùng 1 lít rượu 40 độ. Khi sử dụng lấy 2ml rượu pha với nước ấm và uống 2 lần một ngày.
Lá hương thảo có nhiều công dụng trị bệnh.
– Chữa nhức đầu, tăng huyết áp, lợi tiểu: Cây hương thảo có thể điều trị một số bệnh như nhức đầu, tăng huyết áp, lợi tiểu…
Cách hãm: Dùng 2-3g lá hương thảo tươi, lá vối 1 lá, thảo quyết minh 10g, hãm trong 1 cốc nước sôi, sau khi nguội thì uống như trà. Một ngày uống 2 cốc.
– Chữa viêm loét miệng: Sắc nước lá hương thảo với lá cây hoắc hương liều 30g mỗi loại, làm nước súc miệng có tác dụng chữa viêm loét miệng. Súc miệng từ 1-2 lần trong ngày giúp vết loét nhanh chóng lành lại.
– Điều trị kinh nguyệt không đều, giảm đau bụng kinh: Sử dụng hương thảo, ngải cứu, ích mẫu, củ gấu, cỏ nhọ nồi, mỗi loại 20g, đun nước uống ngày 1 hoặc 2 lần, uống trước chu kỳ kinh nguyệt 10-15 ngày. Có thể cho thêm đường cho dễ uống.
3. Lưu ý khi sử dụng hương thảo:
- Không sử dụng loại cây này dài ngày mà không có lời khuyên của chuyên gia y tế.
- Tránh dùng hương thảo trong hơn 3 tuần liên tiếp.
- Do tác động của thảo mộc này lên vỏ thượng thận, hương thảo không được khuyến cáo cho những người mắc chứng hay căng thẳng.
- Nên tránh sử dụng vào buổi tối.
- Các bài thuốc trên chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần sử dụng theo sự tư vấn của thầy thuốc đông y.