Y học Hindu truyền thống quan niệm, uống đủ nước có tác động to lớn đến sức khỏe tổng thể của con người. Tuy nhiên, vào mùa hè thời tiết nóng bức càng phải thận trọng khi uống nước.
Theo BS. TS. Từ Ngữ, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam: Nước chiếm khoảng 65% trọng lượng cơ thể. Để bổ sung đủ lượng nước cần thiết phù hợp với từng người, ta phải tính đến độ tuổi, giới tính và mức độ hoạt động thể chất. Chỉ cần cơ thể thiếu hụt 2% lượng nước, lập tức chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải do cơ chế phản ứng tự nhiên của cơ thể.
Không khí oi bức vào mùa hè dễ khiến bạn cảm thấy “bốc hỏa”, để tỉnh táo và sảng khoái hơn nhiều người sẽ lựa chọn thưởng thức một ly nước lạnh, một quả dừa tươi mát bổ. Tuy nhiên việc uống nước lạnh quá nhiều trong mùa hè thực sự có thể đem lại những tác dụng phụ nguy hiểm.
Kiểu uống nước vào mùa hè như “thuốc độc” có thể gây sốc nhiệt, đột quỵ
Uống nhiều nước lạnh vào ngày nóng
Vào những ngày nóng, thói quen phổ biến nhất của các gia đình đó là vừa ăn vừa uống một ly nước lạnh. Thói quen này có thể giúp cơ thể hấp thu, điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên theo PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia: Việc uống đồ lạnh quá mức có thể khiến các vi mạch trong dạ dày và ruột co thắt lại từ đó làm giảm chức năng tiêu hóa tức thì.
Ngoài ra, còn một thói quen khác cũng rất nguy hiểm vào mùa hè đó là uống nước đá khi vừa đi nắng về. Đồ uống lạnh có thể khiến nhiệt độ trong cơ thể bị thay đổi đột ngột, có thể dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, với triệu chứng là chóng mặt, buồn nôn.
Trong mùa hè tốt nhất vẫn nên uống nước ở nhiệt độ thường, hoặc thi thoảng có thể sử dụng nước mát khi cơ thể ở trong trạng thái khỏe mạnh.
Lạm dụng nước dừa để giải nhiệt
Trong Đông y, nước dừa thuộc âm, có vị ngọt ấm, không độc, giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc, giải nhiệt, làm mát cơ thể nhanh… Uống nước dừa vào mùa hè có tác dụng giải nhiệt, bù nước rất tốt nhưng nếu mọi người uống liên tục, uống quá nhiều một lúc sẽ ảnh hưởng nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam), dừa và những loại quả nhiều nước đều có tính mát. Người nào mới đi nắng về thì không nên ăn, uống nhiều nước dừa vì có thể gây sốc nhiệt.
Uống quá nhiều nước trong một lúc
Nước từ lâu đã được coi là liều thuốc tốt nhất trên đời. Rõ ràng việc uống ít nước là không tốt, nhưng nếu uống nước quá nhiều sẽ khiến cơ thể chúng ta bị tổn thương nhiều hơn.
Uống nhiều nước có thể gây ra tình trạng ngộ độc nước, hay còn gọi là hạ natri máu. Các triệu chứng bao gồm đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, tăng huyết áp, buồn ngủ, yếu cơ, chuột rút, mất cảm giác, dạ dày khó chịu, chướng bụng. Trường hợp nặng có thể gây phù não, rối loạn thần kinh, hôn mê hoặc tử vong.
Đặc biệt, uống quá nhiều nước cũng sẽ làm tăng gánh nặng cho thận. Uống quá nhiều nước đồng nghĩa với việc thận phải lọc nhiều hơn, điều này sẽ làm thận bị quá tải.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng (Bệnh viện Quân Y 110), liều lượng uống nước đúng nhất được tính theo công thức, tối thiểu là 0,4 lít nước cho mỗi 10kg cân nặng của cơ thể. Ví dụ, nếu ai có cân nặng là 50kg thì cần uống 2 lít nước mỗi ngày, còn nếu ai có cân nặng là 60kg thì cần uống 2,4 lít nước mỗi ngày.
Dùng bia, rượu lạnh để giải nhiệt
Phát ngôn viên của Viện dinh dưỡng và Chế độ ăn của Mỹ, bà Heather Mangieri, rượu bia được cho là thuốc lợi tiểu vì chúng làm tăng lượng nước tiểu, tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến nguy cơ mất nước cho cơ thể. Ngoài ra, bia, rượu vốn được coi là thức uống không tốt cho gan, có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan vì thế thói quen giải nhiệt bằng bia, rượu lạnh thực sự vô cùng nguy hiểm.