Đặt chân đến 11 quốc gia ở châu Mỹ và châu Á, tiếp tục hành trình du lịch bụi xuyên lục địa tại châu Phi, cặp chồng Việt vợ Nhật mong muốn có một năm tuổi trẻ rực rỡ, sau thời gian dài “cày cuốc” công việc đến mức “ngó lơ” sức khỏe bản thân.
Anh Ngô Quang Dũng (29 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin kiêm nhiếp ảnh gia) cùng vợ là chị Hatori Chiaki (30 tuổi, tư vấn viên) hiện sống tại một thành phố cạnh thủ đô Tokyo (Nhật Bản).
Họ vừa hoàn thành chuyến du lịch tự túc vòng quanh châu Mỹ, sang châu Á và hiện tiếp tục trải nghiệm hành trình mới tại châu Phi – châu lục thứ 3 và cũng là cuối cùng trong kế hoạch dành một năm đi du lịch bụi khắp thế giới.
Quyết định nghỉ việc để đi du lịch “chữa lành”
Nói về lý do quyết định nghỉ việc và dành một năm đưa vợ đi du lịch bụi khắp thế giới, anh Dũng không giấu nổi cảm xúc, vẫn nhớ như in nỗi sợ hãi cách đây gần 3 năm, khi vợ anh rơi cảnh “thập tử nhất sinh”.
“3 năm trước, ngay sau khi tổ chức đám cưới ở Việt Nam xong thì vợ mình mắc Covid-19 rất nặng, lúc nặng nhất mình đã sợ vợ sẽ không qua khỏi. Qua lần đó, chúng mình mới nhìn lại cuộc sống trước giờ ở Nhật Bản chỉ xoay quanh công việc, chưa hề có thời gian cho bản thân.
Mình cứ nghĩ là tuổi trẻ còn dài, cả hai sẽ còn nhiều thời gian nhưng biết đâu đấy, cái “nhiều thời gian” đó chỉ là một thời gian ngắn ngủi, có thể là 1 ngày, 1 tháng, hay chỉ 1 năm nữa thôi. Vậy nên tranh thủ lúc còn trẻ, có sức khoẻ và chưa có em bé, vợ chồng mình muốn dành thời gian cho nhau, cũng là để nhìn ngắm những thứ mình chưa từng được thấy”, anh Dũng nói.
Anh Dũng cùng vợ muốn được thử một lần làm backpacker (tạm dịch: du khách balo – du lịch bụi), đi đến những đất nước mới, ghé thăm vùng đất xa xôi, gặp gỡ mọi người và trải nghiệm cuộc sống ở những nền văn hóa mà trước giờ chỉ thấy trên tivi
Sau biến cố đó, anh Dũng và chị Chiaki không muốn đánh đổi công việc và sức khỏe nên quyết định gác lại một năm, dùng một phần tiền tiết kiệm 5 năm qua để đi du lịch bụi và nghỉ ngơi.
Người đàn ông Việt thừa nhận mất khoảng nửa năm để đưa ra quyết định cuối cùng và chuẩn bị mọi thứ. Đầu tiên, anh xin bảo lưu công việc một năm, còn chị Chiaki nghỉ việc hẳn. Sau đó, cả hai lên kế hoạch, nghiên cứu lịch trình và sắm sửa các vật dụng cần thiết.
Anh Dũng cho biết, hành trang cho chuyến du lịch bụi của hai vợ chồng tối giản hết mức có thể. Anh chọn loại balo 50l, sức chứa 13 – 15kg, đủ đựng 4-5 bộ quần áo, áo rét và máy móc chụp ảnh.
Balo của chị Chiaki thì nhỏ hơn, khoảng 10kg, đựng quần áo, thuốc men, vật dụng vệ sinh cá nhân và đồ chăm sóc da. Ngoài ra, họ trang bị chiếc túi nhỏ để giữ hộ chiếu, thẻ tín dụng và luôn đeo theo người.
Cặp đôi tối giản mọi thứ, ưu tiên mang những vật dụng gọn nhẹ nhất để có thể di chuyển xa trong quãng thời gian dài
Chi phí chuyến đi được cặp vợ Nhật chồng Việt trích ra từ một phần tiền tiết kiệm sau 5 năm làm việc chăm chỉ ở xứ phù tang. Trước khi đi, cả hai cũng tìm hiểu về chi phí du lịch bụi qua các trang blog khác nhau để hạn chế các khoản phát sinh tốn kém.
Anh Dũng cho rằng, vấn đề khó khăn nhất là giấy tờ, phải chuẩn bị từ giấy chứng minh tài chính, chứng nhận kết hôn, chứng nhận đi làm rồi giấy cư trú ở Nhật Bản.
Để tối giản hành trình xin visa, anh nói “đi tới đâu xin tới đó” và phải đặt trước phòng khách sạn và vé máy bay. Họ cũng xác định sẵn các quốc gia muốn đi, lên mạng tra cứu các địa điểm tham quan, có giá trị văn hóa và mua bảo hiểm du lịch.
Anh Dũng và vợ ghé thăm Thánh địa lịch sử Machu Picchu (ảnh trái) và đi bộ gần 3 tiếng dọc theo đường tàu (ảnh phải) ở Peru
Về lưu trú, ở mỗi quốc gia, anh Dũng và chị Chiaki lựa chọn tìm nhà nghỉ trên các ứng dụng điện tử với tiêu chí giá bình dân, an toàn và sạch sẽ. Cặp đôi cũng chọn những quán ăn, nhà hàng đông người bản địa, bày bán nhiều đặc sản địa phương.
Về di chuyển, đôi vợ chồng trẻ chủ yếu sử dụng các phương tiện công cộng như tàu, xe buýt và ưu tiên đi bộ nếu quãng đường không quá xa, chừng 2-3km.
Những trải nghiệm đáng nhớ
Chuyến đi này, vợ chồng anh Dũng chia lịch trình thành 2 phần: châu Mỹ và châu Á rồi châu Phi.
Tháng 7/2023, cặp đôi xuất phát đi châu Mỹ. Tại đây, họ dành 4 tháng trải nghiệm tại các quốc gia như Mỹ, Mexico, Colombia, Bolivia, Peru, Chile và Brazil.
Khung cảnh hùng vĩ, choáng ngợp ở thung lũng chết (Death Valley), Mỹ
Cặp vợ chồng trẻ thuê xe cắm trại, chiêm ngưỡng khung cảnh Grand Canyon huyền ảo trong ánh trăng
Mỹ là quốc gia đầu tiên mà anh Dũng và chị Chiaki đặt chân đến trong hành trình du lịch bụi xuyên lục địa. Nếu muốn ghé thăm các nước ở Trung, Nam Mỹ, du khách hầu hết phải trung chuyển máy bay tại Mỹ nên cặp đôi quyết định dừng chân tại đây, tranh thủ thăm thú vùng đất hiện đại, sôi động bậc nhất thế giới.
Ở Mỹ, họ đến đảo Hawaii đầu tiên. Cặp đôi không khỏi “sốc” vì vật giá ở đây quá đắt đỏ, đắt hơn nhiều so với Nhật Bản và cả trong đất liền nước Mỹ.
“Trải nghiệm ở đây 2-3 ngày, mình cũng có thể hiểu được vì sao chi phí lại cao như vậy. Phần vì Hawaii là vùng đảo, vị trí địa lý không thuận tiện như đất liền, phần vì đây là địa điểm du lịch quá nổi tiếng, luôn có đông khách du lịch từ khắp thế giới đổ về nên chi phí dịch vụ tăng,… Dù chi phí cao nhưng bù lại, cảnh biển và núi ở Hawaii thực sự khiến bất cứ ai đến đây cũng đều ngỡ ngàng. Chưa kể khí hậu rất mát mẻ, dễ chịu dù giữa mùa hè”, anh Dũng chia sẻ.
Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở Hawaii khiến cặp đôi không khỏi mê đắm
Cả hai cũng thích thú với trải nghiệm thuê xe cắm trại (Campervan) ở Mỹ trong 10 ngày. Vợ chồng anh Dũng thay nhau lái xe, ăn ngủ trong xe suốt quãng đường dài gần 3.000km, đi qua 3 công viên quốc gia tuyệt đẹp.
Sau Mỹ, họ tiếp tục đến Mexico, Colombia, Bolivia, Peru, Chile và Brazil. Anh Dũng nhận xét, mỗi quốc gia có một vẻ đẹp riêng, để lại cho du khách những ấn tượng và cảm xúc khác biệt như: Mỹ, Bolivia, Peru có cảnh tượng núi non hùng vĩ; Mexico có nền văn hóa nổi bật, người dân thân thiện, nhiệt tình.
Bên cạnh những địa điểm du lịch phổ biến được gợi ý trên mạng, anh Dũng còn tìm kiếm các điểm đến đẹp qua Facebook, Instagram,… hay tham khảo thông tin từ những người bạn mới gặp trên chuyến đi
Kết thúc chuyến du lịch bụi tại châu Mỹ, đôi vợ chồng trẻ quay lại Nhật Bản đón Tết Dương lịch với gia đình rồi đổi visa, đi Philippines và về Việt Nam đón Tết Nguyên đán. Kết thúc kỳ nghỉ, cả hai tiếp tục hành trình đến Sri Lanka, Ấn Độ, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau gần 9 tháng du lịch bụi, anh Dũng và chị Chiakia lần lượt trải nghiệm nhiều khó khăn và thử thách, từ việc bất đồng ngôn ngữ tại một số quốc gia châu Mỹ chỉ nói tiếng Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha cho đến việc đồ ăn không hợp khẩu vị khiến cả hai sụt cân,… Thậm chí, chị Chiakia còn gặp vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phải nằm nghỉ 2-3 ngày ở mỗi quốc gia của châu Mỹ. Ở Peru, chị mắc kiết lỵ, phải chữa trị khoảng một tuần.
Về đồ đạc, anh Dũng từng làm rơi drone (phương tiện bay không người lái) ở Bolivia, quên túi máy ảnh ở Brazil. May mắn cả hai lần, anh đều được người bản địa giúp đỡ lấy lại đồ nguyên vẹn.
“Lúc đấy mình nghĩ là may mắn của cả năm nay chắc mình dùng hết rồi. Và đúng thế thật. Lần gặp sự cố thứ 3, mình đánh rơi hai cái thẻ nhớ ở Mexico thì không tìm lại được nữa. Mất dữ liệu, mình rất buồn nhưng vợ an ủi rằng kỷ niệm vẫn còn mãi đó, có thể sẽ còn quay lại để chụp được những bức ảnh đẹp hơn”, anh chia sẻ.
Cặp đôi dành thời gian thưởng thức món ăn địa phương tại các nhà hàng, quán bình dân ở từng quốc gia ghé thăm
Hiện anh Dũng và chị Chiaki có mặt ở châu Phi, tiếp tục hành trình du lịch bụi khắp thế giới. Cặp đôi dự kiến khám phá Madagascar, đi ngược Tanzania hoặc Kenya, nếu còn thời gian sẽ đến một số nước nhỏ khác ở châu Phi.
“Mình mê những chương trình thế giới động vật từ nhỏ nên ấp ủ ước mơ đượctới những đồng cỏ bạt ngàn của Châu Phi để ngắm nhìn thiên nhiên hoang dã ở đây. Thêm nữa, vợ chồng mình cũng muốn thử thách bản thân ở một châu khác hoàn toàn với những nơi đã từng đi trước đó”, anh Dũng nói thêm.