Vị vua này có đến 142 người con, mỗi khi nghỉ ngơi tận 5 bà vợ hầu hạ. Mặc dù vậy, ông là vị vua anh minh, có rất nhiều cải cách từ nội trị đến ngoại giao, giúp cho đất nước cực kỳ phát triển.
Vua Minh Mạng tên là Nguyễn Phúc Đảm, còn có tên là Kiểu, con thứ 4 của vua Gia Long và bà Nguyễn Thị Đang (Thuận Thiên Cao Hoàng hậu). Ông sinh ngày 23 tháng 4 năm Tân Hợi (25-5-1871) tại làng Tân Lộc, tỉnh Gia Định. Vua Minh Mạng lên ngôi vào tháng Giêng năm Canh Thìn (1820), làm vua được 21 năm (1820-1840).
Trong cuốn Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn do ông Nguyễn Viết Kế biên soạn có viết, vua Minh Mạng đã ăn nằm với 43 phi tần, sinh hạ được 142 người con gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa. Ông cũng là vị vua có nhiều phi tần và đông con nhất trong số 13 vua triều Nguyễn.
Trong cuốn Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn của tác giả Nguyễn Viết Kế biên soạn có viết, khi nghỉ ngơi vua Minh Mạng có 5 bà vợ hầu hạ. “Một bà vấn thuốc têm trầu, bà quạt, bà đấm bóp, người ru và một để sai vặt. Mỗi bà một canh”.
Tương truyền để quân vương có sức khỏe phục vụ tam cung, các ngự y đã ngày đêm nghiên cứu, bào chế những bài thuốc có tính năng tráng dương bổ thận cho thiên tử dùng. Trong số những bài thuốc này, nổi tiếng nhất là bài thuốc Minh Mạng thang giúp vua Minh Mạng “nhất dạ ngũ giao tam hữu dựng” (Một đêm ngủ với năm bà thì ba bà có thai).
Đồng thời theo những ghi chép tản mạn còn để lại trong Đại Nam thực lục hoặc Minh Mệnh chính yếu, vua Minh Mạng là vị vua có ý thức trong việc giữ gìn sức khỏe của bản thân. Ngoài thời gian chăm lo chính sự, vua đi bộ thường xuyên, coi đó là “một phương pháp cầu thêm sống lâu vậy”, và coi trọng việc thể dục vì “người ta phải tập vận động, cố gắng thì ngày một thêm mạnh”.
Trong số 142 người con của vua Minh Mạng, Tứ giai Huệ tần Trần Thị Huân là người sinh cho ông tới 15 người con gồm 6 hoàng tử và 9 hoàng nữ.
Bà nguyên quán ở huyện Diên Khánh, tỉnh Quảng Nam, hiện không rõ năm sinh năm mất. Theo các sử liệu, bà vào hầu vua Minh Mạng từ thuở ông còn ở nơi Tiềm đệ (nơi ở của Thái tử trước khi lên ngôi). Trong chốn tam cung, lục viện người đẹp nhiều vô kể. Không rõ bà Trần Thị Huân có nhan sắc thế nào nhưng được ở gần vua và sinh cho vua tới 15 người con thì hẳn không tầm thường.
Sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng phong cho bà tới chức Huệ tần ở hàng Tứ giai. Đối với vị vua có vô vàn cung tần mỹ nữ, trong đó không ít cung phi cả đời không một lần được nhìn thấy mặt vua thì việc sinh cho vua tới 15 người con cũng là một may mắn của Tứ giai Huệ tần Trần Thị Huân.
Vua Thiệu Trị là vị vua thứ 3 của triều Nguyễn, tên thật là Nguyễn Phúc Tuyền, húy là Miên Tông sinh năm Đinh Mão (1807) là con trưởng của vua Minh Mạng và bà Hồ Thị Hoa. Mẹ ông rất được vua Minh Mạng sủng ái. Tiếc là bà sinh con được 13 ngày thì mất. Sau khi mất, bà được phong Tá Thiên Nhân Hoàng hậu.
Trong số 15 người con của bà Trần Thị Huân với vua Minh Mạng, có 2 người nổi bật là Quảng Ninh Quận vương Nguyễn Phúc Miên Mật và An Quốc công Nguyễn Phúc Miên Ngung. Miên Mật và Miên Ngung đương thời có tiếng giỏi ngang nhau, được vua quý khen là “Hai viên hảo ngọc châu”. Đáng tiếc, cả hai đuổi trẻ tài cao nhưng đoản mệnh, chết khi tuổi còn rất trẻ.
Minh Mạng được xem là vị vua anh minh, dưới triều đại của mình đã có nhiều cải cách giúp tế ổn định, đời sống của người dân có phần sung túc sau nhiều năm chiến tranh. Ông cho lập thêm Nội các và Cơ mật viện ở kinh đô Huế, quân đội nhà Nguyễn được tổ chức lại, chia thành bộ binh, thủy binh, tượng binh, kị binh và pháo thủ binh.
Vua Minh Mạng còn cử quan ra chỉ đạo khai hoang ở ven biển Bắc kỳ và Nam kỳ. Là người tinh thông Nho học và sùng đạo Khổng Mạnh, Minh Mạng rất quan tâm đến việc học tập và củng cố thi cử.
Nhờ những chính sách cải cách kịp thời, hợp lý của Minh Mạng, nền kinh tế có nhiều biến chuyển tích cực, nhiều vùng đất mới được khai khẩn; nhiều công trình thủy lợi được hoàn thành. Nhiều loại máy sản xuất mới xuất hiện, không chỉ sửa chữa mà người Việt Nam còn đóng được cả tàu hơi nước; Giảm thuế, chẩn cấp, xuất kho bán thóc rẻ cho dân các vùng bị thiên tai; xuất lúa giống cho dân nghèo vay để làm mùa khiến cho nông nghiệp không bị đình trệ.
Về văn hóa giáo dục, coi trọng học vấn, khoa cử, trọng dụng người có kiến thức; cho dựng Quốc sử quán, sai biên soạn quốc sử thực lục; thống nhất việc đo lường, y phục trong toàn quốc…
Về ngoại giao, cứng rắn với các nước nhỏ nhưng chủ động, khéo léo với nước lớn; E ngại phương Tây, cấm đạo Ki tô, nhưng không quá quyết liệt.
Tất cả những cải cách đó của Minh Mạng đã từng bước khắc phục cuộc khủng hoảng, ổn định được tình hình.
Năm 1838, vua Minh Mạng đổi tên quốc hiệu từ Việt Nam thành Đại Nam, nghĩa là quốc gia phương Nam rộng lớn. Quốc hiệu Đại Nam tồn tại 107 năm, đến năm 1945.
Theo sách “Đại Nam thực lục Chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 190, vua Minh Mạng giải thích việc đặt quốc hiệu là Đại Nam như sau: “Nay bản triều có cả phương Nam, bờ cõi ngày càng rộng, một dải phía Đông đến tận biển Nam, vòng qua biển Tây, phàm là người có tóc có răng đều thuộc vào trong bản bản đồ, bờ biển rừng sâu khắp nơi đều theo về cả. Trước gọi là Việt Nam, nay gọi là Đại Nam thì càng tỏ nghĩa lớn… Chuẩn từ nay trở đi, Quốc hiệu phải gọi là nước Đại Nam, hết thảy giấy tờ xưng hô phải chiếu theo đó tuân hành. Giả hoặc có nói liền là nước Đại Việt Nam về lẽ vẫn phải, không được nói hai chữ Đại Việt. Còn Hiệp kỷ lịch năm nay trót đã ban hành thì không phải thay đổi hết thảy… Lấy năm Minh Mạng thứ 20 bắt đầu đổi thành chữ Đại Nam mà ban hành để chính tên hiệu cho các nơi xa gần đều biết”.
Xung quanh chuyện trị vì của vua Minh Mạng có rất nhiều giai thoại thú vị, một trong số đó là chuyện ông cầu mưa.
Ngay khi lên ngôi vua không lâu, Minh Mạng đã thấy rằng thời tiết có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của muôn dân vì thế cần phải nắm bắt quy luật của thời tiết để có cách ứng phó thích hợp. Minh Mạng cho rằng là vua thì phải chăm lo trị đạo, sửa đức yêu dân, thuận theo mệnh trời, còn nếu không trời sẽ giáng họa, mà những điềm tai dị. Ngoài việc cầu khấn trời đất thì còn có rất nhiều cách để tạ lỗi đó và trong thời gian trị vì của mình, Minh Mạng đã thực hiện những phương cách lạ kỳ để mong được ơn trời soi xét đến.
Vào mùa xuân tháng giêng năm Ất Dậu (1825), ở kinh thành lại không có mưa, vua thấy hạn lấy làm lo lắng liền chỉ dụ bảo quan Thượng bảo khanh là Hoàng Quýnh rằng: “Hai ba năm trở lại đây, hạn hán cùng nối. Trẫm nghĩ vì đâu mà đến thế, nhưng chưa tìm ra nguyên nhân; hoặc là trong thâm cung, cung nữ nhiều nên khí âm uất tắc mà nên vậy ư? Nay bớt đi, cho ra khỏi cung 100 người, ngõ hầu có thể giải trừ thiên tai vậy”.
Với một vị hoàng đế có số lượng phi tần đông đảo, việc cùng một lúc giảm bớt 100 cung nữ không phải là nhiều nhưng điều lạ ở chỗ vua Minh Mạng coi đó là một cách để cầu mưa, giảm thiên tai thì quả xưa nay hiếm.
Là vị vua nổi tiếng nghiêm khắc, vua Minh Mạng từng xử phạt nặng nhiều quan lại, thân tộc tham nhũng. Trong số đó, nổi tiếng nhất là vụ vua chuẩn y tử hình cha vợ là Huỳnh Công Lý. Bởi Huỳnh Công Lý lợi dụng chức vụ của mình và bề trên đi vắng, thừa cơ vơ vét tới 30.000 quan tiền từ nhân dân và binh lính.
Ngoài ra, theo Đại Nam thực lục, hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Phú tuy được răn dạy cẩn thận, nhưng tính tình phóng khoáng, chỉ thích ăn chơi, hưởng lạc, không chịu học hành, ỷ thế làm điều càn bậy.
Tháng 11 năm Ất Mùi (1835), Miên Phú cùng các thuộc hạ là Hoàng Văn Vân, Bùi Văn Nghị, Bùi Văn Quế tổ chức đua ngưạ ở ngoài hoàng thành, gây náo loạn đường phố, một bà lão vì không tránh kịp đã bị ngựa của Hoàng Văn Vân xéo chết.
Biết tin, vua Minh Mạng ra lệnh tước mũ áo của Miên Phú, cắt lương bổng hàng năm, giam lỏng ở nhà riêng để tự sửa lỗi, không cho ra ngoài một bước, không được dự vào hàng các hoàng tử, chỉ được gọi tên là Phú (Miên là tên đệm của các Hoàng tử con Minh Mạng), phải bồi thường cho người bị hại 200 lạng bạc.
Những thuộc hạ của Miên Phú có tội đều bị xử theo các mức độ khác nhau. Nặng nhất là Hoàng Văn Vân bị xử chém, anh em Bùi Văn Nghị, Bùi Văn Quế bị đày đi phát vãng nơi xa, khi tới nơi còn bị đánh 100 gậy.
Giống cha, nhiều người con của vua Minh Mạng cũng sinh hạ hàng chục con. Trong đó, Thiệu Trị, người kế ngôi cha có 64 người con, Miên Trinh có 114 con. Đặc biệt nhất là Miên Định có đến 144 người con (trong đó có 78 con trai), hơn cả cha mình.
Thọ Xuân vương Nguyễn Phúc Miên Định (1810-1885) là con trai thứ 3 của vua Minh Mạng. Thọ Xuân vương, từ thời vua Minh Mạng đến thời vua Đồng Khánh, đã nhiều lần thay vua giữ kinh thành, trông coi việc nước.
Tuy nhiên, cháu nội ông sau này là vua Tự Đức có đến hơn 100 bà vợ nhưng không sinh được con.
Năm 49 tuổi, vua Minh Mạng bắt đầu tìm cho mình nơi an nghỉ cuối cùng ở núi Cẩm Khê, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế ngày nay. Lăng Minh Mạng gồm một la thành bằng gạch bao quanh, bên trong lại có thêm nhiều vòng nữa, gọi là Bảo Thành. Một năm sau, vua lâm bệnh qua đời vào ngày 20/1/1841, hưởng thọ 50 tuổi, được an táng tại Hiếu Lăng, phải tới 2 năm sau việc xây lăng mới hoàn thành.
Có thể nói sau 21 năm trì vị, vua Minh Mạng được xem là một vị vua năng động, quyết đoán, tinh thông nho học, hiểu biết, coi trọng học vấn và là nhà chính trị, quân sự tài ba. Dưới thời ông rất nhiều cải cách từ nội trị đến ngoại giao đã được thực thi giúp cho đất nước giai đoạn ông trị vì là thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử chế độ quân chủ nhà Nguyễn nói riêng và phong kiến Việt Nam nói chung.