Xót xa cảnh cậu bé 7 tuổi xin ký tên để chị gái được làm phẫu thuật: Ông bà mất rồi, cháu có thể ký thay
Câu chuyện phía sau của 2 chị em khiến hàng triệu người rưng rưng.
Báo Đời sống Pháp luật ngày 19/11 đưa thông tin với tiêu đề: “Xót xa cảnh cậu bé 7 tuổi xin ký tên để chị gái được làm phẫu thuật: Ông bà mất rồi, cháu có thể ký thay” cùng nội dung như sau:
Trước cổng bệnh viện trực thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), một cậu bé 7 tuổi đang cố gắng đẩy một chiếc giường bệnh. Trên giường lúc này, một cô bé 11 tuổi với gương mặt tái nhợt, liên tục khóc nấc lên từng hồi vì đau đớn.
Các bác sĩ tại bệnh viện đã nhanh chóng có mặt để hỗ trợ hai em. Sau khi cô bé được đưa vào phòng cấp cứu, cậu bé yên lặng đứng bên ngoài chờ đợi.
Lúc này một bác sĩ đã tiến tới hỏi thăm tình hình và mong muốn cậu bé đưa thông tin liên lạc của bố mẹ để làm thủ tục. Tuy nhiên, bác sĩ phải gặng hỏi rất lâu cậu bé mới ấp úng nói rằng: “Chị em cháu không có bố mẹ, chúng cháu sống cùng ông bà nội nhưng ông bà cũng mới mất cả rồi”.
Nghe tới đây những người có mặt không khỏi xót xa. Sau khi tìm hiểu, các bác sĩ mới biết 2 chị em được một người hàng xóm tốt bụng gọi hộ xe cứu thương, nhưng vì người này cũng có việc gấp nên chỉ có cậu bé 7 tuổi đưa chị gái nhập viện.
Lúc này kết quả chiếu chụp cũng xác nhận cô chị gái bị tổn thương thận cần phải làm phẫu thuật ngay lập tức. Tuy nhiên, vì không có người giám hộ nên phía bệnh viện cũng có phần bối rối.
Khi được hỏi về người lớn trong nhà còn ai khác, cậu bé nói rằng hiện tại cả hai chị em đang ở nhờ nhà ông họ, nhưng ông họ đã đi nhặt sắt vụn từ sáng sớm nên không liên lạc được.
Lúc biết rằng phải có chữ ký của người nhà mới có thể làm phẫu thuật, cậu bé ngỏ lời xin: “Cháu tên Triệu Văn An, chị gái tên Triệu Văn Huệ, cháu biết viết tên, ông bà mất rồi cháu có thể ký thay”.
Nghe tới đây các y bác sĩ không ngăn được nước mắt. Sau cùng, viện trưởng đã đứng ra chịu trách nhiệm và ứng phần viện phí để cô bé Triệu Văn Huệ được đi làm phẫu thuật.
Trong lúc chờ phẫu thuật, các bác sĩ tiếp tục hỏi thăm và biết được câu chuyện đau lòng của hai chị em họ Triệu.
Những đứa trẻ bất hạnh
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, người cha vì muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình nên đã bỏ nhà đi làm ăn xa rồi bặt vô âm tín. Người mẹ vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, không chịu nổi cuộc sống khổ cực nên đã quyết định để hai chị em Triệu Văn An và Triệu Văn Huệ ở lại với ông bà nội rồi bỏ đi biệt xứ không quay trở lại. Kể từ đó, hai đứa trẻ không còn bố mẹ nữa.
Dù ông bà nội cũng không mấy khá giả, nhưng ông bà luôn dành những thứ tốt nhất cho hai đứa cháu nhỏ.
Tuy nhiên, hai chị em sống trong tình yêu thương của ông bà nội chưa được bao lâu thì ông bà lần lượt qua đời vì tuổi cao sức yếu. Thêm một lần nữa sống trong cảnh bơ vơ, hai đứa trẻ tội nghiệp chỉ biết nương tựa vào nhau trong căn nhà nhỏ của ông bà nội để lại.
Cán bộ thôn định đưa hai em vào trại mồ côi, nhưng vì bố mẹ hai em người thì đi làm ăn xa, người thì đi biệt xứ chứ không có giấy xác nhận đã qua đời nên hai chị em không đủ điều kiện được nhận vào trại trẻ mồ côi.
May mắn là một người họ hàng xa là ông Đường vì quá thương xót hai đứa cháu nhỏ nên đã nhận hai đứa về nuôi. Tuy nhiên, gia cảnh ông Đường cũng rất khó khăn. Ông Đường không vợ con, sống một mình trong căn nhà nhỏ, hàng ngày đi nhặt phế liệu kiếm sống. Sau khi có thêm 2 đứa nhỏ, cuộc sống của ông Đường tuy ấm cúng vui vẻ hơn nhưng cũng vất vả hơn. Chính vì vậy ông thường phải dậy rất sớm để nhặt phế liệu và làm thuê bất cứ việc gì có thể để kiếm thêm thu nhập nuôi hai cháu nhỏ.
Hôm đó, sau khi ông rời nhà từ sớm thì Triệu Văn Huệ vô tình bị ngã. Cú ngã khiến thận phải của em bị tổn thương nghiêm trọng. May mắn hàng xóm gọi xe đưa đi cấp cứu và được bệnh viện phẫu thuật kịp thời nên cô bé đã qua cơn nguy kịch.
Mặc dù vậy, chi phí phẫu thuật và điều trị sau đó không hề nhỏ. Sau cùng, ông Đường phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền cho Triệu Văn Huệ phẫu thuật.
Những lúc ông Đường không có mặt, cậu bé Triệu Văn An luôn túc trực chăm sóc chị gái, tự mình đưa chị đi làm thủ tục xét nghiệm.
Hình ảnh cậu bé 7 tuổi hiểu chuyện luôn ở bên chăm sóc và động viên chị gái đã thu hút rất nhiều sự chú ý của mọi người xung quanh. Sau khi biết câu chuyện của hai chị em, các y bác sĩ đều rất cảm động trước tình cảm của hai chị em. Bệnh viện đã đứng ra kêu gọi hỗ trợ và nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp. Sau cùng toàn bộ phần tiền viện phí và chi phí phẫu thuật của Triệu Văn Huệ đều được thanh toán đủ.
Cùng lúc này, ủy ban xã cũng đã kêu gọi mọi người quyên góp, ủng hộ gia đình. Mọi người nghe tin đều giúp đỡ, ai có bao nhiêu góp bấy nhiêu. Sau khi kết thúc đợt quyên góp, số tiền bà con phố xóm gom góp cũng đủ tiền thuốc men cho Văn Huệ.
Điều này khiến ông Đường vô cùng cảm động. Khi Văn Huệ xuất viện, mọi người đều đến thăm hỏi và tặng quà cho hai chị em. Hai chị em Văn An và Văn Huệ nói lời cảm ơn và bày tỏ bản thân rất biết ơn sự giúp đỡ của mọi người.
Sự việc này diễn ra vào ngày hè tháng 6 năm 2017, tuy nhiên cho đến hiện tại, câu chuyện nhân văn này vẫn thu hút được rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng Trung Quốc. Vì muốn 2 đứa trẻ lớn lên như bao đứa trẻ khác nên sau đó ông Đường đã từ chối cung cấp thông tin của các em lên mạng xã hội. Dù vậy, nhiều người vẫn tin rằng hai chị em họ Triệu sẽ luôn hướng về phía mặt trời và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Trước đó, báo VnExpress ngày 17/11 cũng có bài đăng với thông tin: “Bác sĩ ký giấy mổ để kịp cứu cô gái không thân nhân”. Nội dung được báo đưa như sau:
Bị xe tải hất văng sau giờ tan học, nữ sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện FV. Bác sĩ Trình Văn Hải, Phó Khoa Cấp cứu cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, toàn thân xây xát, gãy tay, đùi cũng có dấu hiệu bị gãy xương. Không có người thân nào đi cùng bệnh nhân. Cô gái lập tức được các bác sĩ siêu âm và chụp X-quang, thực hiện các công tác cấp cứu cần thiết.
Bác sĩ Lê Đức Tuấn, Khoa Ngoại tổng quát, người giữ ca trực hôm đó có mặt ngay khi nhận được thông báo có ca bệnh nhân khó. Kết quả phim chụp, siêu âm đều cho thấy bệnh nhân đa chấn thương nghiêm trọng, mạch bằng 0, tình trạng nguy kịch trong khi không có người thân nào bên cạnh để ký giấy phẫu thuật. Đánh giá tình hình chỉ cần chần chừ chậm trễ vài phút là có khi không kịp giữ được tính mạng cho cô gái trẻ, không cam tâm nhìn bệnh nhân thoi thóp lịm dần, bác sĩ Tuấn quyết định tự chịu trách nhiệm về ca mổ này.
Ông ký giấy cam kết mổ cho cô gái trẻ với tư cách là thân nhân rồi quay sang hội chẩn nhanh với các bác sĩ gây mê hồi sức, chấn thương chỉnh hình, ngoại tổng quát về tình trạng bệnh nhân. Ca mổ bắt đầu bằng vết rạch vùng bụng của bệnh nhân, nơi xác định vị trí tổn thương. Máu tràn đầy ổ bụng khiến việc nhận diện nội tạng và tình trạng chấn thương trở nên khó khăn. Bằng kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề, bác sĩ Tuấn vừa cầm máu, vừa dùng thiết bị truyền máu hoàn hồi để làm sạch máu vùng ổ bụng. Bệnh nhân được truyền máu kịp thời.
Những tổn thương bắt đầu lộ ra rõ ràng hơn. Lá lách cô gái vỡ thành nhiều mảnh nhỏ nằm rải rác khắp ổ bụng. Động mạch lách bị đứt, máu tuôn xối xả đến gần 3 lít trong ổ bụng. Ruột non đứt làm đôi, ruột già bị dập nát. Bác sĩ Tuấn cẩn trọng nhặt nhạnh từng mảnh vỡ của lá lách, cắt bỏ những phần bị dập và khéo léo khâu vá các mảnh vỡ. Sau đó ông cắt bỏ phần lách dập, cắt và nối lại đoạn ruột bị dập vỡ rồi tiếp tục cầm máu cho những vùng bị tổn thương.
Ngay sau khi ca mổ của bác sĩ Tuấn kết thúc, bác sĩ chấn thương chỉnh hình bắt tay vào xử lý những phần xương bị gãy cho cô gái trẻ. Ca mổ kéo dài hơn 6 tiếng đã thành công. Song các bác sĩ “nín thở” theo dõi sự hồi phục khó khăn của bệnh nhân sau mổ bởi huyết áp trồi sụt, hơi thở mong manh. Một ngày sau, gia đình cô gái từ quê xa mới kịp đến viện. Hiện bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, bày tỏ hạnh phúc vì đã “được sinh ra lần nữa”.
Chia sẻ về quyết định thay thân nhân ký cam kết cho ca mổ có tỷ lệ thành công thấp, nguy cơ đối diện phản ứng của gia đình nếu thất bại, bác sĩ Tuấn cho biết tâm niệm cuộc đời cầm dao mổ của ông luôn là “đôi mắt diều hâu, trái tim sư tử và bàn tay của phụ nữ”.
“Đôi mắt diều hâu phải quan sát thật nhanh khi có quá nhiều chấn thương cùng lúc để đánh giá những tổn thương nào cần ưu tiên xử lý trước. Trái tim sư tử trong bất kỳ tình huống nào cũng không được phép sợ hãi. Và khâu vá luôn là công việc cần đôi tay khéo léo của người phụ nữ”, bác sĩ Tuấn trải lòng.