Cựu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên lần đầu bơi ở sông Hồng để tìm trải nghiệm mới cho bản thân sau khi giải nghệ vào tháng 12/2022.
Ánh Viên tham gia trải nghiệm cùng CLB Bơi khám phá – chuyên bơi ở sông, hồ, biển, hôm 11/3. Cô bơi trong khoảng một tiếng xung quanh khu vực sông Hồng ở chân cầu Long Biên và cầu Chương Dương.
Là cựu kình ngư số một Việt Nam, nhưng Ánh Viên không quen bơi sông. Vì vậy, cô cần các thành viên trong đội hướng dẫn đeo phao, định hướng khi bơi, cảm nhận dòng nước chảy và địa hình. Ánh Viên cũng mất thêm thời gian thích ứng với thời tiết mùa đông Hà Nội và nhiệt độ nước lạnh ở sông Hồng.
Nguyễn Ngọc Khánh, người sáng lập CLB, cho biết Ánh Viên thích ứng rất nhanh rồi thể hiện đẳng cấp hoàn toàn khác biệt về kỹ thuật bơi và tốc độ. Khi còn thi đấu, Ánh Viên đã được biết đến là kình ngư toàn diện cả bốn nội dung bơi bướm, sải, ếch, ngửa.
Ngọc Khánh cho biết: “Ánh Viên bảo bơi sông quá thích. Cô ấy đã ngâm mình suốt 18 năm trong bể bơi có clo nên rất chán. Đây là chuyến bơi đầu tiên giúp Ánh Viên phá vỡ giới hạn cuộc sống đời thường”.
Ánh Viên là VĐV bơi thành công nhất lịch sử Việt Nam, và cũng được đầu tư lớn nhất với tổng kinh phí 30 tỷ đồng trong giai đoạn 2012-2019.
Trong 10 năm thi đấu đỉnh cao, kình ngư quê Cần Thơ giành 25 HC vàng SEA Games, một HC bạc và một HC đồng châu Á, hai HC đồng Asiad, cùng HC vàng Olympic trẻ. Cô cũng thống trị các đường đua xanh ở Việt Nam, với hàng chục HC vàng và các kỷ lục quốc gia. Ánh Viên hai lần dự Olympic 2016 và 2020 nhưng đều không thể lọt vào các vòng chung kết.
Sau khi giải nghệ vào năm 2022, Ánh Viên trở thành giáo viên dạy bơi ở một trung tâm tại TP HCM và kín lịch cả bảy ngày trong tuần. Cô cũng xây dựng kênh cá nhân riêng để hướng dẫn bơi, phòng tránh đuối nước với câu nói “Bơi dễ lắm, Viên chỉ cho” đã trở thành thương hiệu.
Việc một trong những tượng đài của bơi Việt Nam ra sông Hồng trải nghiệm cũng khiến nhiều người bất ngờ. Ngọc Khánh chia sẻ ý tưởng mời Ánh Viên có từ tháng 1/2024, khi một số thành viên đề xuất sau giải bơi phong trào ở sông Hồng. Một tháng sau, nhân chuyến công tác ở TP HCM, anh hẹn gặp Ánh Viên thông qua một số mối quan hệ cá nhân để gửi lời mời. Một ngày sau, Ánh Viên nhận lời tham gia.
Ánh Viên chưa từng trải nghiệm bơi sông. Một phần vì phong trào này không phổ biến ở miền Nam, khiến cô khó tìm được những buổi trải nghiệm như ở sông Hồng. Ánh Viên cho biết, cô khá bất ngờ vì nước ở sông Hồng trong và sạch, khác với khu vực TP HCM và quê cô ở miền Tây. Ngoài ra, sông ngòi trong miền Nam có nhiều động vật nguy hiểm, điển hình như cá sấu, nên cũng trở thành rào cản.
Ngọc Khánh tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng đam mê bơi sông, biển nên thành lập CLB từ năm 2020 để chia sẻ trải nghiệm, dạy bơi và phòng chống đuối nước. Đến nay, anh cùng các thành viên CLB đã tổ chức được bốn giải phong trào bơi đường dài, quy tụ từ 200 đến 300 VĐV mỗi giải, từ trong nước lẫn quốc tế.
Năm 2021, Khánh từng bơi 200 km trong ba ngày từ chân cầu Long Biên (Hà Nội) đến cửa biển Ba Lạt (Thái Bình). Anh cũng giúp VĐV khuyết tật Hán Quang Thoại hoàn thành bơi biển 34 km trong 17 tiếng, qua đó được triệu tập vào đội tuyển bơi người khuyết tật Việt Nam.
Bơi trên nhiều con sông khắp nước, Ngọc Khánh cho biết bơi sông ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội vẫn là trải nghiệm khác biệt. Không khí ở sông sạch hơn với nội thành thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM vốn ngột ngạt, nhiều khói bụi. Thứ hai, sông Hồng có dòng chảy liên tục nên sạch, lại có phù sa nên tốt cho sức khoẻ. “Tôi đã đi dọc 600 km sông Hồng thì khu vực chân cầu Long Biên là đẹp nhất”, Khánh nói. “Tôi dẫn người nước ngoài hay tỉnh khác đến bơi đều bảo đây là đặc sản của thủ đô”.
Hiếu Lương