Nếu tôi đòi hỏi công sức góp phần trong vườn sầu riêng, cả gia đình sẽ lục đục.
Nhà tôi có bốn anh chị em, tôi là con đầu, hai em kế là em gái. Năm tôi 20 tuổi thì bỗng nhiên có em trai út. Lợi thế của em út khi có anh chị đã vào tuổi trưởng thành đó là không phải lo lắng gì công việc của gia đình vì mọi việc đã có anh chị làm hết. Hai em gái tôi đi lấy chồng, được ba mẹ cho một số vốn làm ăn. Tôi thì được ba mẹ cho lại cơ sở kinh doanh nội thất.
Trước đó, đất vườn nhà tôi trồng bưởi, cam… nhưng thường xuyên rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá là mất mùa. Những hộ trong xã, trong huyện cũng luẩn quẩn với vài giống cây ăn trái này. Rồi đến cơn sốt giá mít, giá sầu riêng, tôi là người bàn bạc với ba mẹ nên thử trồng sầu riêng xem sao.
Đầu tư trồng sầu riêng tốn rất nhiều tiền. Tôi còn nhớ thời điểm hạn mặn thiếu nước tưới năm 2016, mỗi xà lan nước ngọt mười mấy triệu đồng cũng phải mua để tưới, nếu không công chăm sóc hóa công không. Vườn cây cũng cầm cự được và sau đó cho trái đều đặn, mỗi năm thu về khoảng 600-700 triệu đồng.
Rồi chuyện chia tài sản cũng đến, tôi chưng hửng nhưng không buồn trước quyết định của ba mẹ: Chia vườn sầu riêng đang cho quả lại cho em trai. Còn tôi đã có cửa hàng, có mối làm ăn từ ba mẹ để lại nên nhận phần đất ít hơn, đang trồng loại cây khác. Nếu tôi thắc mắc thì sẽ mang tiếng giành phần với em.
Tôi nói cây do tôi trồng, tiền phân, tiền thuốc tôi bỏ ra thì câu trả lời nhận được cũng là: Tiền đó từ tiền buôn bán cửa hàng của ba mẹ mà ra. Nhưng em tôi chỉ biết học, chưa đụng việc nhà nông bao giờ, thuê mướn và tin tưởng người làm công hơn là tin anh trai. Em biết rõ tôi bỏ sức tay chân vào vườn cây đó nhiều, nhưng cũng chưa hề có ý chia sẻ lợi nhuận cho tôi, dù có chia tôi cũng chẳng lấy.
Thực sự chia tài sản, con gái được hưởng phần nào, con trai được hưởng thế nào, giữa các con trai được hưởng ra sao luôn là vấn đề rất nhạy cảm. Vì vấn đề chia thừa kế một cách công bằng rất khó thực hiện, do ba mẹ mến đứa này, không mến đứa kia, hoặc thấy đứa biết lo nên an tâm chia phần nhiều hơn bù lại cho đứa chẳng biết lo…
Mối quan hệ giữa các anh chị em một nhà sau khi chia tài sản vẫn được đánh giá là hòa thuận, yêu thương nhau thì một hoặc nhiều người phải sẵn sàng chịu thiệt. Nhất là khi các anh chị ra đời sớm hơn, tài sản là của cha mẹ nhưng có phần công sức của các anh chị, thì nếu chia không khéo sẽ có cãi vã, anh em kiện cáo, không nhìn mặt nhau.