Tôi không bỏ phố dù có vài nghìn m2 đất ở quê

Tôi không bỏ phố dù có vài nghìn m2 đất ở quê

Nếu chị em tôi không kéo ra thành phố tìm việc, chỉ quanh quẩn ở quê làm nông, chờ phân chia đất cát, thì làm sao có thể đổi đời?

Nhiều người ở thành thị, có môi trường làm việc tốt, mà vẫn không trụ nổi, sống vật vờ, vậy về quê lấy tài chính đâu để lập nghiệp? Nên nhớ rằng, không phải ai cũng có đất đai của bố mẹ để lại rồi cứ thế khởi nghiệp.

Tôi đọc nhiều bài viết chia sẻ về những gia đình ở quê, đất đai có tới năm hecta, nhưng cuộc sống vẫn còn gặp khó khăn, nên con cái phải kéo nhau ra thành phố làm việc. Vì nếu chúng ở lại với bố mẹ, sau này số đất đó chia năm xẻ bảy, mỗi đứa một ít thì chắc chắn các thế hệ sau cũng chẳng có gì khá hơn đời bố mẹ. Như vậy, chẳng khác nào thêm một thế hệ nữa đi vào ngõ cụt.

Xã hội luôn phân công mỗi người mỗi việc, nên hãy bỏ đi tư tưởng “ai cũng bỏ quê ra phố làm việc thì lấy đâu ra người nuôi trồng, cung cấp thực phẩm”. Bố mẹ tôi làm nông nghiệp (trồng rau) từ thập niên 60-80, với diện tích đất là một hecta, nuôi cả gia đình có tám nhân khẩu. Kinh tế gia đình tôi thời điểm đó cũng vừa đủ để lo cho các con ăn học đầy đủ trước khi bước vào đời.

Cả sáu chị em tôi khi lớn lên đều tự thân lập nghiệp, mỗi người một nơi. Giờ nghĩ lại, nếu tất cả chị em tôi không kéo ra thành thị làm việc, mà chỉ quanh quẩn ở quê cùng bố mẹ, sau này phân chia đất cát, mỗi người được hơn 1.000 m2 đất nông nghiệp, vậy làm sao mà lo được cho gia đình nhỏ của mình?

Thời còn học phổ thông, một buổi tôi đến trường, buổi còn lại ở nhà làm vườn, trồng rau với bố mẹ. Oải nhất là thời tiết sau Tết, trời nắng nóng cháy da, giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy làm nông quá cực nhọc. Điểm sáng duy nhất chỉ là cuộc sống không sợ thiếu thốn về thực phẩm.

Cuối thập niên 80, khi tôi tốt nghiệp THPT, bố mẹ bằng mọi cách lo cho tôi học tiếp Đại học để ở lại thành phố tìm việc. Sau hơn 30 năm ra thành thị với giấc mộng đổi đời, tôi đã có được nền tảng kinh tế tương đối ổn định, con cái tôi đều được học Đại học ở các môi trường quốc tế. Còn con của các chị gái tôi cũng đều được đi du học nước ngoài, ra trường kiếm được việc làm ở trời Tây. Đó là điều mà những người ôm 1.000 m2 đất ở quê không bao giờ có được.

Tôi đã lên trung tâm tỉnh để lập nghiệp tới nay cũng hơn 30 năm. Sau căn nhà mặt tiền đường trung tâm dùng làm cơ sở kinh doanh, tôi còn có miếng đất 400 m2 thổ cư, một phần cho thuê làm xưởng cơ khí, còn lại 100 m2 để trồng vài cái cây ăn trái, hàng ngày có chỗ ra vào thư giãn.

Cũng nói thêm rằng, đất đai ở quê không phải nơi nào cũng rẻ. Quê tôi giáp ranh với Quận 2, TP HCM, bây giờ muốn có miếng đất làm nhà cũng phải bỏ ra tiền tỷ mới mua được, chưa nói đến mua đất để làm vườn. Đất để trồng rau trong hẻm rộng 5 mét cũng có giá tới hơn 10 triệu đồng một m2. Muốn tách thửa được phải mua 500 m2, tốn 5 tỷ là ít.

Mặc dù giá đất ở quê không hề rẻ, bản thân vẫn còn vài nghìn m2, nhưng tôi vẫn thích ở thành phố hơn. Tôi để đất cho người thân khai thác, mỗi tuần, gia đình lại về chơi trong ngày, coi như đổi không khí, rồi lại lên thành thị làm ăn. Tôi cũng không có ý định sau này sẽ về quê ở, mặc dù bây giờ không phải suy nghĩ đến kinh tế cho gia đình.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *