Theo bác sĩ, rận mi mắt ở trẻ có thể lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc giữa cha mẹ bị nhiễm bệnh và con cái của họ hoặc lây truyền gián tiếp qua quần áo hoặc khăn tắm bị nhiễm.
Chiều 8-5, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ cho biết cùng ngày, bệnh nhi bị rận và trứng bám dày đặc vào mi mắt đã đến tái khám, kết quả đã hoàn toàn bình phục.
Bé gái đến tái khám vào ngày 8-5
Trước đó, bệnh nhi H.B.H (5 tuổi; ngụ TP Cần Thơ) nhập viện trong tình trạng rận mi chi chít trên mi mắt.
Rận mi mắt gây ngứa ngáy, khó chịu trên mi mắt bé gái 5 tuổi
Theo người nhà, trước khi nhập viện, bệnh nhi có triệu chứng ngứa mắt, thường xuyên dụi mắt và phát hiện trên lông mi có nhiều vật thể bám vào.
Khi thấy tình trạng ngứa, khó chịu ở mắt bé không thuyên giảm dù đã được điều trị tại nhà bằng nước muối sinh lý nên gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ để được thăm khám.
Bệnh nhi được bác sĩ chẩn đoán bị rận bám ở mí mắt và chỉ định tiến hành lấy sạch rận, trứng rận ở lông mi.
Quá trình điều trị được bác sĩ thực hiện nhanh chóng, giúp bệnh nhi loại bỏ rận mi, trứng rận và hướng dẫn cụ thể về cách chăm sóc mắt tránh lây lan và tái nhiễm.
Bệnh nhi H.B.H được bác sĩ Lê Viết Pháp tiếp nhận điều trị rận mi mắt ngay trong đêm
Bác sĩ Lê Viết Pháp, Quyền Trưởng Khoa Khám và Cấp cứu của Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ, cho biết rận mi ở trẻ có thể lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc giữa cha mẹ bị nhiễm bệnh và con cái của họ hoặc lây truyền gián tiếp qua quần áo hoặc khăn tắm bị nhiễm.