Từ nguyên nhân khiên Nghệ sỹ, người mẫu Đức Tiến qua đời ở tuổi 44, Bác sỹ chỉ ra ‘Thời điểm vàng’ điều trị nhất định không được bỏ lỡ

Thông tin siêu mẫu Đức Tiến qua đời tại Mỹ ở tuổi 44 sau một cơn nhồi máu cơ tim khiến người hâm mộ không khỏi bàng hoàng. Vậy nhồi máu cơ tim là gì và nó nguy hiểm như thế nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Ngày 19/5, thông tin MC, diễn viên kiêm người mẫu nổi tiếng Đức Tiến (44 tuổi) qua đời vì nhồi máu cơ tim, tại bệnh viện ở California, tối 18/5 (giờ địa phương) khiến đồng nghiệp và người hâm mộ vô cùng bàng hoàng và đau xót. Theo chia sẻ trên báo Tiền Phong, anh có tiền sử mắc bệnh tim bẩm sinh. Vậy căn bệnh này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người trưởng thành.

MC, diễn viên kiêm người mẫu nổi tiếng Đức Tiến

Bệnh tim bẩm sinh (TBS) là một trong những dị tật hay gặp nhất trong các dị tật bẩm sinh, chỉ các bất thường về cấu trúc tim hoặc mạch máu lớn hình thành trong quá trình thai nhi phát triển và xuất hiện ngay sau sinh. Các bất thường này có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc nằm trong hội chứng bất thường bẩm sinh như Turner, Marfan…

TBS có biểu hiện từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào loại bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số trường hợp nặng có thể nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ, một số khác không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi trưởng thành. Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị đã cải thiện kết quả cho những người mắc TBS. Hơn 90% được điều trị khi còn nhỏ sẽ sống đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy họ vẫn có nguy cơ mắc một số bệnh lý tim mạch khi trưởng thành mặc dù kết quả phẫu thuật thành công.

Các khuyết tật bẩm sinh như van tim bị lỗi hoặc lỗ nhỏ ở tim thường được điều trị bằng phẫu thuật đơn giản trong giai đoạn đầu đời. Tuy nhiên, khi trưởng thành, những người sinh ra với những khuyết tật này phải đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề về tim cao hơn rất nhiều, ngay cả khi họ duy trì lối sống lành mạnh cho tim.

Trên tạp chí tim mạch uy tín Circulation hồi tháng 2/2019, nhóm tác giả trường Y Stanford Medicine đã thực hiện một nghiên cứu lớn về những người trưởng thành sống sót sau dị tật tim bẩm sinh. Trong nghiên cứu này, họ đã phân tích dữ liệu sức khỏe của nửa triệu người ở Anh tuổi từ 37 đến 73 tuổi, trong giai đoạn năm (2006 – 2010) và phát hiện khoảng 2.000 người sinh ra bị dị tật tim. Kết quả cho thấy, những người sinh ra với khuyết tật tim ít nghiêm trọng vẫn có nguy cơ bị suy tim hoặc rung tâm nhĩ cao gấp 13 lần, nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần và nguy cơ bị đau tim cao gấp đôi so với những người sinh ra có trái tim bình thường. Điều đó cho thấy, những người mắc bệnh TBS cần tiếp tục theo dõi sức khỏe trong thời gian dài, đặc biệt khi có dấu hiệu bất thường.

Các triệu chứng bệnh TBS ở người trường thành:

Nhịp tim không đều, hay rối loạn nhịp tim với các cơn hồi hộp trống ngực hoặc cảm giác hụt hơi, ngất xỉu.

Da, môi và móng tay có màu xanh hoặc xám do nồng độ oxy thấp. Tùy thuộc vào màu da, những thay đổi này có thể khó nhìn thấy hơn hoặc dễ dàng hơn.

Chóng mặt, choáng váng, xây xẩm mặt thường xuyên, không rõ nguyên nhân.

Cảm thấy mệt mỏi rất nhanh khi hoạt động.

Phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc bàn tay do chất lỏng tích tụ bên trong các mô cơ quan.

Ở những ngày mắc TBS đã được phẫu thuật từ nhỏ mà còn phải duy trì thuốc chống đông máu thì cần chú ý dấu hiệu xuất huyết: chảy máu bất thường ở mũi, chân răng hay các vết bầm tím bất thường trên cơ thể.

Các biến chứng của bệnh tim bẩm sinh có thể xảy ra nhiều năm sau khi bệnh tim được điều trị, bao gồm:

Rối loạn nhịp tim do mô sẹo trong tim do phẫu thuật để khắc phục tình trạng tim bẩm sinh có thể dẫn đến những thay đổi trong tín hiệu của tim. Những thay đổi này có thể khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Một số nhịp tim không đều có thể gây đột quỵ hoặc đột tử do tim nếu không được điều trị.

Nhiễm trùng niêm mạc tim và van tim, được gọi là viêm nội tâm mạc. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng này có thể làm hỏng hoặc phá hủy van tim hoặc gây đột quỵ. Thuốc kháng sinh có thể được khuyên dùng trước khi chăm sóc nha khoa để ngăn ngừa nhiễm trùng này. Kiểm tra răng miệng thường xuyên là rất quan trọng. Nướu và răng khỏe mạnh làm giảm nguy cơ viêm nội tâm mạc.

Đột quỵ. Bệnh tim bẩm sinh có thể khiến cục máu đông đi qua tim và di chuyển lên não, gây đột quỵ.

Nhồi máu cơ tim là một cơn đau tim xảy ra bất ngờ do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Việc này khiến lưu lượng máu tới tim bị gián đoạn và có thể gây ra tổn thương đến cơ tim, thậm chí có thể phá hủy một phần của cơ tim. Nhờ việc thay đổi lối sống, cách sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng và luyện tập nên việc phục hồi sau nhồi máu cơ tim ngày càng tích cực, việc này cũng góp phần ngăn chặn các cơn đau tim.

Nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến tử vong.

Cơn đau tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào và vị trí nào, kể cả khi bạn đang nghỉ ngơi hay đang hoạt động. Một số cơn đau tim xảy ra bất ngờ, nhưng một số khác có những dấu hiệu cảnh báo trước đó khoảng vài giờ hoặc vài tuần. Các trải nghiệm khi bị đau tim do nhồi máu cũng như mức độ đau có thể khác nhau tùy mỗi người, một số người thậm chí không hề có triệu chứng.

Cơn đau tim thường được cảnh báo sớm bằng triệu chứng đau thắt ngực kể cả khi hoạt động hay thư giãn, đó là biểu hiện của việc giảm lưu lượng máu tới tim.

Những nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim thường gặp nhất chính là do tắc nghẽn động mạch vành. Cụ thể hơn là, những mảng xơ vữa (bao gồm cholesterol, canxi hay mảnh vỡ tế bào) được tích tụ lâu ngày sẽ bám vào thành mạch máu. Đến một thời điểm, mảng xơ vữa này nứt vỡ, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và dẫn tới tắc nghẽn lòng mạch máu, gây ra nhồi máu cơ tim.

Từ 30 tuổi trở đi, những mảng xơ vữa bắt đầu hình thành và tích tụ lại trong cơ thể của chúng ta và tình trạng này sẽ diễn ra khoảng vài năm hoặc cũng có thể là vài chục năm.

Ngoài vấn đề tuổi tác, một số trường hợp sau được cho là có nguy cơ cao mắc bệnh:

• Người mắc bệnh tăng huyết áp.

• Người hút thuốc lá thường xuyên.

• Người bị rối loạn lipid máu.

• Bệnh nhân mắc tiểu đường.

• Tai biến mạch máu não.

• Những trường hợp có người thân từng bị mắc bệnh động mạch vành sớm, đối với trước 55 tuổi ở nam giới và trước 65 tuổi ở nữ giới.

• Bệnh nhân mắc thận mạn tính.

• Bệnh nhân mắc bệnh tự miễn.

• Trường hợp tiền sử bị tiền sản giật hoặc tiểu đường thai kỳ.

• Người ít vận động hoặc bị thừa cân, béo phì.

Khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bệnh tim mạch nào, bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Triệu chứng điển hình nhất của nhồi máu cơ tim

Các triệu chứng điển hình nhất của nhồi máu cơ tim gồm: đau nặng ngực: đau giữa ngực, sau xương ức hoặc hơi lệch trái, cảm giác nặng, bóp nghẹt, siết chặt, đè, có khi lan ra tay trái, lên cằm xuống bụng vùng trên rốn.

• Thời gian đau ngực thường trong khoảng 20 – 30 phút hoặc dài hơn.

• Cũng có người bệnh không đau ngực mà đau bụng vùng trên rốn, đau sau lưng

• Các dấu hiệu và triệu chứng của nhồi máu cơ tim có thể thay đổi tùy theo tuổi, giới tính, vùng mạch máu bị tổn thương và những bệnh lý khác đi kèm.

Thời gian vàng trong cấp cứu nhồi máu cơ tim

Người bị nhồi máu cơ tim cần được tái lưu thông mạch máu nuôi tim càng sớm càng tốt nhằm hạn chế tế bào cơ tim bị tổn thương và hoại tử.

Thời gian vàng là 60 phút kể từ xuất hiện triệu chứng, hoặc càng sớm càng tốt vì theo thời gian sẽ làm tăng tỉ lệ tử vong, sẽ tốt hơn nếu được can thiệp trong vòng 12 giờ đầu. Sau 24 giờ nếu không còn triệu chứng thì việc can thiệp được khuyên là không nên tiến hành. Chính vì vậy, ngay có dấu hiệu nêu trên, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Cấp cứu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. (Ảnh minh họa)

Đối với bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, đa số các trường hợp người bệnh chuyển đến được can thiệp kịp thời, tái lưu thông mạch máu nuôi tim trong thời gian vàng bằng kỹ thuật hiện đại như đặt stent động mạch vành giúp hạn chế tối đa tế bào cơ tim bị tổn thương và cứu sống người bệnh.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *