Đôi vợ chồng xách 100 lít mắm tôm từ Việt Nam qua Mỹ khởi nghiệp, không ngờ nhận được thành quả khiến nhiều người trầm trồ.
Mình đọc được câu chuyện của vợ chồng chị Nhung Đào (35 tuổi) – Jerald Head (31 tuổi) trên Dân Trí cách đây vài tháng và quá đỗi ngưỡng mộ. Với tình yêu dành cho ẩm thực, cặp đôi đã mang món bún đậu mắm tôm qua Mỹ khởi nghiệp.
(Ảnh: Dân Trí)
Về cơ duyên quen biết với người vợ Việt, năm 2016, anh Jerald Head – một đầu bếp trẻ đã qua Việt Nam khám phá cũng như học hỏi ẩm thực nơi đây. Trong chuyến đi lần ấy, anh quen được chị Nhung Đào, khi ấy chị là nhân viên văn phòng ở TP.HCM.
Kể về một ấn tượng với người chồng Mỹ, chị Đào cho biết lúc hẹn hò, anh Jerald đã ăn món bún đậu mắm tôm rất ngon lành. Với nhiều người ngoại quốc, đây là món ăn không dễ cảm vì mùi khá nặng. “Đối với nhiều người, đặc biệt là người nước ngoài, mắm tôm rất nặng mùi. Tôi không hiểu sao anh ấy lại “nghiện” món ăn này đến thế. Chúng tôi đã từng gọi liền 4 suất bún đậu để thưởng thức cho đã thèm”, cô vợ Việt kể.
Sau khi kết hôn được 2 năm, chị Nhung đào qua Mỹ định cư với chồng vào năm 2020. Lúc này, tình hình dịch bệnh bùng phát và anh Jerald chẳng may bị thất nghiệp. Một ngày nọ, chị Nhung Đào bàn với chồng về ý tưởng kinh doanh món Việt: “Hay chúng ta bán món bún đậu mắm tôm, giới thiệu ẩm thực Việt đến với nhiều người?”.
Anh chồng Mỹ gật đầu liền. Vậy là, cửa hàng bún đậu mắm tôm của họ đã ra đời, nằm trên con phố thuộc trung tâm China Town, Manhattan, New York.
“Xuất phát từ việc hai vợ chồng rất mê bún đậu mắm tôm. Nhưng để tìm món này ở New York rất khó, nên mỗi khi thèm, cả hai lại lọ mọ tự làm. Qua những lần nấu thử, chất lượng đồ ăn lại cải thiện hơn. Khi ấy mình đã nghĩ, tại sao hai vợ chồng không thử giới thiệu món này để người dân ở New York có cơ hội nếm thử”, chị Nhung cho biết.
Mẹt bún đậu mắm tôm giữa lòng nước Mỹ. (Ảnh: Dân Trí)
Giữa lòng nước Mỹ, những mẹt bún đậu mắm tôm “chuẩn Việt” có lá chuối lót bên dưới, rồi dồi luộc, chả cốm, rau mùi… bắt đầu được cộng đồng người Việt ở New York biết đến. Thậm chí, có khách Tây tò mò đến ăn thử.
Chị Nhung cho biết, vì muốn thực khách thưởng thức món ăn Việt nguyên bản nên chị chưa bao giờ gia giảm khẩu vị món ăn để phù hợp với người Mỹ.
Để tìm được nguyên liệu cho món bún đậu mắm tôm giữa nước Mỹ là điều không dễ. Chị Nhung đã “lùng sục” ở nhiều siêu thị châu Á để tìm mắm tôm nhưng chưa ưng ý. Cuối cùng, chị tìm được nguồn nguyên liệu ở Thanh Hóa rồi nhờ gửi qua Mỹ. Chị cũng chỉ sử dụng chả cốm có phần cốm từ Hà Nội.
“Quán chỉ là nơi chúng tôi thuê để bán hàng, còn mọi thứ đều làm ở nhà, từ xay đậu nành, ép khuôn làm đậu, làm chả cốm cho tới dồi lòng. Mọi thứ đều chuẩn bị trong gian bếp ở căn hộ nhỏ nên mất rất nhiều thời gian, công sức để hoàn thiện từ đầu tới cuối”, chị Nhung nói.
Hai vợ chồng đã mang chiếc máy làm đậu phụ nặng 60kg từ Việt Nam qua Mỹ. Có bác họ ở quê nhiều đời làm đậu phụ “truyền nghề”, chị Nhung có thể làm ra những miếng đậu thơm ngon, giữ chân thực khách.
Về rau thơm, thời gian đầu, chị Nhung mua lẻ ở siêu thị Việt tại Mỹ. Tuy ở xứ người nhưng chị có thể tìm được đầy đủ tía tọ, húng quế, diếp cá…
Khách ngồi ăn trên vỉa hè, trải nghiệm ẩm thực như ở Việt Nam. (Ảnh: Dân Trí)
Điều đặc biệt của cửa hàng bún đậu này là thực khách được trải nghiệm cảm giác hệt như ở Việt Nam khi ngồi ăn trên bàn ghế nhựa ở vỉa hè. Đến rổ tre, ống đũa, mẹt bún… cũng được mang từ Việt Nam qua.
Không chỉ có khách Việt, cửa hàng bún đậu mắm tôm của vợ chồng Nhung- Jerald còn được nhiều người ngoại quốc ủng hộ. “Khách Tây muốn trải nghiệm những gì mới lạ hoàn toàn so với những gì họ từng biết về ẩm thực Việt Nam. Nếu như phở hay bánh mỳ đã quen thuộc, thì bún đậu mắm tôm lại khác biệt hẳn. Dù biết mắm tôm là thứ không dễ ăn, nhưng nhiều khách hàng tới cửa hàng trên tinh thần sẵn sàng trải nghiệm điều mới lạ”, chủ quán chia sẻ.
Hồi đầu năm 2023, vợ chồng chị Nhung về Việt Nam đón Tết. Khi quay qua Mỹ, hành lý của họ có thêm… 100 lít mắm tôm để có thể phục vụ những suất bún đậu thơm ngon, chuẩn vị Việt giữa lòng nước Mỹ.
Buôn bán không phải là chuyện dễ, đã vậy còn ở nơi xứ người nhiều khó khăn. May mắn là chị Nhung được người chồng ngoại quốc ủng hộ, kề vai sát cánh để cửa hàng bún đậu mắm tôm ngày càng được nhiều người yêu thích. Không chỉ là kinh doanh, cửa hàng của vợ chồng chị còn là một cách quảng bá ẩm thực Việt đến với nhiều người ngoại quốc cũng như là nơi để những người Việt xa xứ tìm đến để nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà.