Có người may mắn kiếm được hàng chục triệu đồng một ngày nhờ hái được loại nấm quý, được ví như lộc trời cho, mỗi năm chỉ xuất hiện một lần.
Hơn 7 giờ tối, chị Phạm Thị Quỳnh Như, trú tại thôn Phu Mang 1, xã Long Hà, huyện Phú Riềng (Bình Phước) cùng con trai và bố mẹ hào hứng mang rổ ra khu vườn trồng bạt ngàn điều, bơ, sầu riêng của nhà để hái nấm mối, khi phát hiện trên mặt đất nhú lên những chiếc nấm nhỏ xinh.
Gia đình chị Như hào hứng cùng nhau đi hái nấm mối. (Ảnh: Phạm Như).
Chị Như cho biết, nấm mối không thể trồng được, chỉ xuất hiện một lần trong năm, sau những cơn mưa đầu mùa và chỉ mọc ở những nơi có tổ mối hoặc con mối thợ đi qua. Những năm trước, gia đình chị hái được hàng chục cân nấm mối, nhưng năm nay, chị mới hái được khoảng 3kg.
Những cây nấm mối búp được hái vào buổi tối hoặc đêm, khi chưa xoè sẽ có giá trị cao nhất. (Ảnh: Phạm Như).
“Mỗi năm nấm mối mọc một lần, trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Năm nay, mùa mưa tới muộn, mãi tận tháng 6 mới thấy nấm mọc”, chị Như nói.
Nấm mối được coi là đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao nên người dân hái đến đâu có người đến mua hết đến đó. Đắt nhất là nấm búp, mới mọc, chưa xoè, lấy được cả chân nấm. Nấm búp làm sạch, đóng túi hút chân không mang bán có giá lên đến 1,2 triệu đồng/kg, loại xấu hơn hoặc đã xoè giá cũng lên tới 650 nghìn đồng/kg.
Nấm mối chỉ xuất hiện mỗi năm một lần vào mùa mưa, đặc biệt nấm này không trồng được nên giá rất cao (Ảnh: Hoa Sen).
Theo chị Như, ai đã ăn nấm mối thì sẽ thấy đây là loại nấm ngon hơn bất kỳ loại nấm nào khác. Nấm mối có thể chế biến được nhiều món như đổ bánh xèo, nướng muối ớt, nấm mối xào tỏi, nấm mối xào thịt gà, cháo gà nấm mối…
“Một nửa cân nấm mối, một con gà, hành lá và hành phi thơm phức… ngon đến khó tả. Ăn chén cháo nóng hổi, ngon ngọt từ nấm, thơm ngậy từ thịt gà, bùi béo từ gạo nếp. Trời ơi ta nói nó ngon nó ngọt”, chị Như mô tả.
Những người đi hái nấm mối thường lấy que gỗ hoặc que tre để hái được cả chân nấm. (Ảnh: Phạm Như).
Gia đình có 5 người chuyên đi hái nấm mối và thu mua nấm của bà con khắp các tỉnh, chị Lê Thị Bích Liên – tên thường gọi là Hoa Sen, trú tại phường Tân Hiệp (Hiên Hoà, Đồng Nai) cho biết, năm nay mùa mưa tới muộn hơn mọi năm 2 tháng nên nấm mối cũng có muộn, sản lượng nấm hái được cũng giảm một nửa.
Nhiều người đi hái nấm, gặp đúng “ổ”, có thể hái được cả chục cân một đêm. (Ảnh: Hoa Sen).
Chị Liên cho rằng, các tỉnh Bình Thuận, Vũng Tàu, Đồng Nai hiện có rất ít nấm mọc, ổ nhỏ, có nơi còn mất mùa nên hễ có nấm là lái mua rất cao. Giá nấm mối mua tại lô cao su đã 700 nghìn đồng/kg.
“Nhà tôi 5 người đi hái nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ được 1/4 sản lượng so với mọi năm do năm nay mưa muộn, nấm chưa lên. Một vùng đất của một tỉnh, nấm mối chỉ mọc rộ nhiều nhất tầm 2-3 lần trong một mùa mưa là hết. Do mưa phân bố rải rác ở mỗi tỉnh khác nhau, chỗ sớm chỗ muộn, chỗ nhiều chỗ ít nên sản lượng nấm sẽ ít hay nhiều”, chị Liên phân tích.
Nấm mối hái được đến đâu có người mua hết với giá cao. (Ảnh: Hoa Sen).
Nấm mối được nhiều người yêu thích nhưng sản lượng thu gom được giảm một nửa. Vì vậy, năm nay, giá nấm mối cao hơn những năm trước 100 nghìn đồng/kg.
Giá mua tại vườn từ 650-750 nghìn đồng/kg nên đến tay người tiêu dùng phải có giá lên đến 950 nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng/kg.
Nấm mối được coi là đặc sản được nhiều người lùng mua mỗi khi mùa mưa đến. (Ảnh: Phạm Như).
Theo chị Liên, nấm mối được coi là “lộc trời” có giá đắt đỏ. Cứ đến mùa mưa, hàng trăm người đổ xô đi tìm nấm mối để hái bán. Có người đi tìm hái nấm, gặp đúng đợt nở rộ, có thể kiếm được từ 10-20kg một ngày. Nhưng cũng có người, chi cả triệu đồng đổ xăng, mua đèn, đi ngày này qua ngày khác vẫn không tìm được nấm để hái vì không chuyên.
Chưa kể, nấm mối thường được hái vào ban đêm, khi nấm chưa nở, sẽ hái được nấm búp, bán được giá cao. Khi đó, nếu không quen địa hình, gặp mương hoặc giếng nước, rắn rết, côn trùng sẽ rất nguy hiểm.
“Khoảng 15 năm trước, nấm mối mọc nhiều lắm. Người dân quê tôi chỉ đi hái về ăn chứ không ai bán. Sau này, kinh tế phát triển, nhiều người hái rồi mang ra chợ bán, khách ăn xong thấy ngon lại đặt mua tiếp. Lượng nấm vì thế ngày càng ít đi, trong khi nhu cầu của mọi người tăng cao khiến giá lên tới cả triệu đồng/kg”, chị Liên phân tích.