Bà Mai vô cùng bất ngờ khi thấy Nghị đứng trước cửa nhà mình cùng mảnh giấy ghi: “Dì có thế đi họp phụ huynh giúp con được không? Con không muốn các bạn cùng lớp biết con không có cha mẹ.”
Trong cuộc đời mỗi người sẽ có những sự lựa chọn đem đến cho chúng ta cái kết không ai ngờ được. Giống như bà Lữ Thiên Mai, trải qua không ít sóng gió cuộc đời, cuối cùng nhờ có cậu con trai nuôi mà bà có thể vực dậy được cơ ngơi đã mất.
Gặp cậu bé trong gara bỏ hoang
Hơn 20 năm trước, vợ chồng bà Mai sống tại TP. Dương Châu, Trung Quốc từng có có cuộc sống đầy đủ nhờ kinh doanh ngọc bích.
Tuy nhiên, vào tháng 3 năm 2000, người chồng có nhân tình và mang hết tài sản đi. Bà Mai chỉ còn lại đứa con gái cùng khoản nợ rất lớn. Để trang trải, bà phải bán hết xe cộ, nhà cửa,… rồi thuê nhà, sống bằng nghề may.
Hơn nửa năm sau, bà Mai đang đi chợ thì trời đổ mưa nên bà vội chạy vào một gara trú tạm. Tại đây, bà đã gặp cậu bé Lưu Viễn Nghị, khi đó 14 tuổi sống một mình trong gara bỏ hoang.
Qua cuộc trò chuyện, Nghị cho biết cha mẹ cậu đã ra đi sau sự cố giao thông. Chú ruột đưa Nghị về nuôi nhưng thím không đồng ý nên đề nghị chồng chuyển Nghị ra khỏi nhà, chỉ chu cấp chút tiền hàng tháng.
Thương cậu thiếu niên tuổi còn nhỏ đã phải chịu nhiều tổn thương, trưa hôm đó bà Mai mang một phần ăn tới cho Nghị khiến cậu vô cùng xúc động vì đã rất lâu rồi cậu không được ai để tâm tới.
Dì đi họp phụ huynh giúp con
Kể từ đó, thỉnh thoảng bà Mai lại ghé qua thăm và mang đồ ăn cho Nghị. Đến một ngày, bà Mai vô cùng bất ngờ khi thấy Nghị đứng trước cửa nhà mình, cậu đưa cho bà một mảnh giấy. Bên trong ghi nội dung như sau: “Dì có thế đi họp phụ huynh giúp con được không? Con không muốn các bạn cùng lớp biết con không có cha mẹ.”
Bà Mai lập tức đồng ý và tham dự buổi họp. Tại đó, Nghị được đánh giá là một học sinh có học lực rất tốt, nhưng môn tiếng Anh cần cố gắng hơn. Vì có khả năng ngoại ngữ nên bà Mai đã ngỏ ý giúp cậu thiếu niên trau dồi thêm kiến thức.
Thời gian cứ thế trôi qua, đến dịp gần Tết 2002, Nghị hớn hở khoe với bà Mai rằng năm nay sẽ được chú đưa về đón năm mới cùng gia đình.
Những tưởng niềm vui đoàn tụ người thân của cậu sắp thành hiện thực thì thím của Nghị lại phản đối, cho rằng cậu là “điềm xui xẻo”, đưa về nhà dịp năm mới là không tốt. Chú Nghị không dám làm trái, đành đưa cháu một chút tiền, nói cậu tự đón Tết một mình.
Đón cậu bé về nhà nuôi
Bà Mai biết chuyện cảm thấy vô cùng xót xa cho Viễn Nghị nên quyết định đón cậu về nhà. Trong bữa cơm tất niên, Nghị nâng ly gửi lời cảm ơn đến bà Mai:
“Dì à, cảm ơn dì đã chăm sóc con trong thời gian này, khiến con, một đứa trẻ mất mẹ lại cảm nhận được hơi ấm của mẹ. Dì giống mẹ của con, con có thể gọi dì là mẹ được không?”
Nghe đến đó, bà Mai vô cùng hạnh phúc đáp rằng từ lâu trong lòng bà đã coi Nghị là con trai và bà rất hãnh diện vì có một người con tài giỏi như cậu. Lúc này, Chu Đình – con gái bà Mai cũng reo lên vui mừng khi biết gia đình sẽ có thêm một thành viên. Cả nhà ôm nhau bật khóc.
Để Nghị được thoải mái học tập, thư giãn, bà Mai đã sắp xếp cho cậu ở trong căn phòng lớn nhất với đầy đủ tiện nghi. Cả 2 đứa con đều được bà đối xử công bằng, thương yêu hết mực.
Trở thành triệu phú
Không phụ công mẹ nuôi, Viễn Nghị đã đổ vào Đại học Chiết Giang, sau đó lại nhận học bổng chuyên ngành kinh tế ở Viện Đại học Cambridge, Anh. Thành công nối tiếp khi Viễn Nghị ra trường liền được nhận vào một công ty lớn, giữ chức giám đốc dự án.
Đến tháng 6/2011, cậu thiếu niên năm nào nay đã trở thành nhà đồng sáng lập công ty quản lý tài sản, sở hữu 15% cổ phần. Hai năm sau, Viễn Nghị đã có trong tay hàng triệu đô la.
Dù vậy, anh vẫn chưa bao giờ quên mẹ nuôi và em gái ở quê hương. Vì thế ngay khi trở thành triệu phú, Viễn Nghị đề nghị đón họ đến Anh sinh sống nhưng bà Mai từ chối. Anh thuyết phục ra sao cũng không được.
Đền đáp công ơn
Đầu tháng 12/2015, khi Chu Đình chuẩn bị kết hôn, Viễn Nghị đã lặng lẽ gửi vào tài khoản bà Mai 15,3 triệu tệ, tương đương gần 55 tỷ đồng.
Anh gọi điện cho mẹ nói rằng bà hãy đổi nhà, mua nhà cho em và dùng số tiền đó an hưởng tuổi già. Không thể từ chối tấm lòng của con nên bà Mai đã giữ lại số tiền và dùng nó vào một kế hoạch lớn.
Theo đó, bà Mai chỉ chuyển sang một căn nhà thuê lớn hơn chứ không mua nhà. Tiếp theo, bà dùng hơn 10 triệu tệ (hơn 35 tỷ đồng) xây dựng lại việc kinh doanh ngọc bích.
Điều bất ngờ hơn là khi công việc thuận lợi, sinh lời tốt bà đã dùng số tiền này để thành lập quỹ trợ cấp cho những học sinh nghèo tiếp tục đến trường hoặc khởi nghiệp.
Chia sẻ về điều này bà Mai nói, bà từng có tất cả mọi thứ nhưng chỉ trong phút chốc nó đã tan thành mây khói. Khoảnh khắc bản thân không còn gì khiến bà nhận ra tiền bạc sẽ có ý nghĩa hơn nếu dành nó cho những điều nhân văn, chẳng hạn như giúp đỡ trẻ em nghèo.
Câu chuyện trên là một bài học về sự “cho đi” rất đáng để chúng ta suy ngẫm, khi chúng ta mang một suy nghĩ rộng lớn cho đi mà không cần nhận lại, có lẽ thứ mà mình nhận được không hề nhỏ.
Chúng ta sẽ chẳng thể biết trước tương lai ra sao, nên thay vì suy nghĩ, đắn đo thiệt hơn, hãy lựa chọn nhiều điều khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc.